1. Skip to Menu
  2. Skip to Content
  3. Skip to Footer

Phá dỡ 2 cây cầu vượt ở Hà Nội

Phá dỡ hai cây cầu vượt ở Hà NộiThời gian qua, dư luận nhân dân Thủ đô Hà Nội rất bức xúc về việc một số cây cầu vượt dành cho người đi bộ (trị giá hàng tỉ đồng) vừa đưa vào sử dụng tại một số nút giao ở Thủ đô, nay bị phá dỡ. Sắp tới, hai cây cầu vượt dành cho người đi bộ tại nút giao thông Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã và Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt chuẩn bị “xóa sổ”.

Nhằm hạn chế tai nạn giao thông cho người đi bộ và cải thiện giao thông dọc các tuyến đường chính trong hệ thống trục đường đô thị Hà Nội, tháng 10/2009, Ban Quản lí các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội khởi công xây dựng 18 điểm cầu vượt dành cho người đi bộ trên các tuyến đường cửa ngõ ra vào trung tâm và các tuyến đường xuyên tâm Thủ đô có mật độ giao thông lớn; trong đó có cầu vượt dành cho người đi bộ tại nút giao Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã và Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt. Các dự án có tổng kinh phí gần 350 tỉ đồng được trích từ nguồn vốn Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội (giai đoạn 1).

Theo kế hoạch, các nhà thầu thi công phải hoàn thành công trình trước dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nên đến cuối năm 2010 đầu 2011 các công trình mới “hòm hòm”. Vừa đưa vào sử dụng thì tháng 2/2013, UBND thành phố cho khởi công xây dựng cầu vượt dầm thép kiên cố, cũng tại hai nút giao Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã và Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt. Vị trí lên xuống cầu vượt dành cho người đi bộ lại rơi đúng vào đường dẫn các cầu vượt đang chuẩn bị thi công. Vì vậy, phải tháo dỡ hai cây cầu vượt dành cho người đi bộ ở hai nút giao thông này.

Mặc dù, tại các buổi giao ban Thành ủy, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: “Các cầu vượt dành cho người đi bộ bị tháo dỡ sẽ được di chuyển đến lắp tại các vị trí khác để sử dụng tiếp…”. Nếu đúng như vậy thì dù có “triệt để tiết kiệm” cũng chỉ tận dụng được phần cầu chính bằng khung thép; còn các phần móng, trụ cầu, đường lên xuống… trị giá đầu tư hàng tỉ đồng chắc chắn không thể sử dụng lại được. Mỗi lần dựng cầu lên rồi lại phá dỡ, di chuyển như vậy gây lãng phí không biết bao nhiêu tiền của và công sức người lao động Thủ đô.

 Phá dỡ 2 cây cầu vượt ở Hà Nội

Công trình dang dở “xuyên qua” cầu vượt dành cho người đi bộ trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình, TP Hà Nội.

Trước đó, đầu năm 2012, UBND thành phố quyết định xây dựng cầu vượt dầm thép dành cho xe tải hạng nhẹ, nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên tại nút Láng Hạ - Thái Hà. Công trình được thi công khẩn trương, hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng dịp 30/4/2012. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội lại quyết định đầu tư 10 tỉ đồng gia cố khả năng chịu lực của cây cầu vượt này để phục vụ hoạt động của xe buýt vận chuyển nhanh khối lượng lớn (BTR) tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa. Dự án xây dựng tuyến xe buýt nhanh do Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn, đã được khảo sát, nghiên cứu từ trước năm 2010. Theo thiết kế ban đầu, hai làn đường dành riêng cho tuyến xe buýt nhanh bố trí sát dải phân cách giữa các tuyến đường, còn nhà chờ xây dựng tại các khu vực gần ngã tư, phần đường dưới cầu vượt còn lại quá hẹp, không đủ để bố trí làn đường riêng cho xe buýt nhanh. Do vậy, để phương tiện này hoạt động được, thì phải gia cố cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà.

Thời gian qua, Hà Nội triển khai nhiều biện pháp để cố gắng giải tỏa ách tắc giao thông. Việc phá dỡ, chỉnh sửa những công trình giao thông trọng điểm vừa đưa vào sử dụng để phục vụ thi công các công trình khác đã bộc lộ yếu kém, bất cập trong công tác quy hoạch và quản lí quy hoạch chuyên ngành giao thông Thủ đô, hạn chế về tầm nhìn chiến lược, dẫn đến sự manh mún trong quy hoạch, thiết kế, thiếu tính liên kết, kém bền vững, không hiệu quả. Cụ thể là chưa hoạch định đồng bộ những vị trí sẽ xây dựng cầu vượt đã vội vàng lắp đặt, nên vừa hoàn thành công trình đã phải tháo dỡ hoặc gia cố, lãng phí hàng trăm tỉ đồng, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Thực tế, các cây cầu chuẩn bị tháo dỡ chưa được thông báo sẽ lắp đặt tại địa điểm nào để tiếp tục sử dụng. Hiện thành phố Hà Nội còn nhiều công trình dang dở, ngổn ngang như: Đường tàu điện ngầm từ Cầu Diễn, tuyến xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa, tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông… Liệu thời gian tới còn công trình nào tiếp tục bị tháo dỡ, gia cố, điều chỉnh?

Bài và ảnh Mai Phương - Kim Uyên